tech24g.com tech24g.com

©2021 tech24g.com. All rights reserved

Đánh giá ASUS Flow X13: Hiệu năng đỉnh cao

Tại CES 2021, ASUS x AMD đã cho ra mắt laptop thuộc thương hiệu ROG sử dụng CPU mới nhất đến từ AMD là AMD Ryzen 9 5980HS và rất nhanh, hôm nay mình đã được trên tay con máy khủng này, chỉ tiếc là chúng ta không có box ROG XG Mobile với card đồ họa Geforce RTX 3080. Thôi thì có gì chơi đó nhé, chúng ta sẽ trên tay nhanh và test nhanh xem hiệu năng em này thế nào nhé.

Vỏ hộp bên ngoài chỉ là một màu đen thôi các bạn ạ. Gần như chẳng chứa thông tin gì cả, ở bên gần tay cầm chúng ta có dòng chữ ROG Flow, hết rồi an hem ạ. Mặt sau cũng chẳng có gì ngoài thông tin về chứa pin nguy hiểm, dễ cháy nổ thôi.
 




Yes, For Those Who Dare – ý là dành cho mình đây mà. ASUS thiết kế vỏ hộp rất thông minh, mở hộp ra là cái máy được đẩy lên ngay, Oh yeah. Em nó có vẻ nhỏ gọn, ấn tượng với đường sọc xéo trên vỏ máy hoàn toàn bằng nhựa. ASUS cũng chỉ để logo của dòng ROG vào 1 góc, rất tiện để anh em chúng ta có thể trang trí mặt lưng và thể hiện cá tính của mình.
 



ASUS Flow X13 có thiết kế không khác các dòng laptop Ultrabook khác. Chúng ta có một màn hình với độ phân giải rất cao 3840 x 2400, tỷ lệ 16:10. Theo mình các hãng khác nên trang bị màn hình 16:10 vì chiều rộng rộng hơn giúp hiển thị được thêm thông tin là điều rất tuyệt. Màn hình panel mã SHP151B, tìm thử trên web thì vẫn chưa thấy có thông tin nhà sản xuất. Bên ngoài chúng ta được trang bị tấm kính đến từ nhà sản xuất “tinh tinh” Gorilla giảm xước đáng kể vì đây là màn hình cảm ứng với độ nhạy 1024 cấp độ khi dùng bút đến từ ASUS. Màn hình cũng đạt chứng nhận Pantone được cân màu sẵn. Công nghệ tần số quét đáp ứng – Adaptive-Sync giúp trải nghiệm game mượt hơn. Phía trên màn hình có camera 720p nhưng không có chức năng đóng camera lại nên các bạn nên disable đi trong Device Manager để bảo mật nhé.

Bàn phím, bàn phím có hành trình khá tốt so với các laptop mỏng nhẹ khác, độ nảy khá tốt, êm. Bàn phím có trang bị backlit light. Trải nghiệm gõ phím mình cho điểm 7/10, tất nhiên là không thể nào bằng được các bàn phím cơ.

Trackpad rộng rãi, nhạy, hỗ trợ đa điểm. Theo mình trackpad này tốt nhưng nếu hỗ trợ chuyển đổi bàn phím số trên trackpad thì sẽ tuyệt vời hơn nữa.

Máy hỗ trợ gập ngược ra sau để biến thành 1 chiếc tablet. Bản lề được thiết kế theo mình là tốt, cứng và chịu lực tốt.
 



Cạnh bên phải chúng ta có 1 cổng USB 3.2 type A và 1 cổng USB 3.2 Type C kiêm chức năng sạc 2 chiều và Display Port 1.4. Với 2 cổng USB duy nhất trên máy theo mình là hơi ít. Nếu các bạn dùng chuột bên ngoài + sạc thì việc cắm thêm ổ cứng USB là không thể. Bên cạnh đó chúng ta có nút nguồn để bật máy lên.
 



Cạnh bên trái chúng ta có cổng kết nối đồ họa rời ngoài thông qua cổng kết nối XGm Rog, cổng HDMI 2.0b để xuất hình ra màn hình ngoài. Chúng ta còn có jack cắm tai nghe và mic 3.5, kèm theo đó là đèn báo trạng thái máy.
 



Mặt lưng chúng ta có 2 cụm lỗ lấy khí ở 2 bên, tản nhiệt CPU bằng kim loại lỏng và GPU nVidia Geforce GTX1650 là bằng kem tản nhiệt. Hình mình mượn ở anandtech nhé. Theo mình, với RAM hàn chết, thì việc nâng cấp dừng lại ở việc thay SSD, các bạn lưu ý máy dùng SSD chuẩn nVME PCIe 3.0 2230 nhé.
 




Adapter đi kèm theo máy có công suất đến 100W và hỗ trợ sạc nhanh với 50% chỉ trong 30 phút. Theo mình đây là tính năng hữu dụng khi cần phải có ở các mẫu laptop mới hiện nay, giúp giảm thời gian sạc của máy.
 

Cấu hình của máy:

CPU: AMD Ryzen 9 5980HS (xung nhịp lên đến 4.8Ghz)
RAM: 32GB LPDDR4-4266
Màn hình: 13.4 inch độ phân giải 3840x2400 60Hz (sRGB: 116%, Adobe: 86% DCI-P3: 85%), Cảm ứng 10 điểm.
GPU: AMD Radeon Vega 8 (2100Mhz) + nVidia Geforce GTX1650 4GB GDDR6 Max-Q
SSD: WD SN530 1TB chuẩn 2230
Wifi: Intel AX200 Wifi 6
Webcam: 720p
Audio: 2 x 1W speaker with Smart Amp Technology, Mic Array.
Battery: 62WHrs, 4S1P, 4-cell Li-ion
Cân nặng: 1.3 Kg

Một trong những cải tiến so với thế hệ trước của Ryzen 5000 chính là ở cache. Ở dòng Zen 2 Renoir chúng ta có 8MB cache L3 nhưng chia làm 2 cụm 4MB, chúng ta chỉ có thể lưu tối đa 4MB dữ liệu, ở dòng Zen 3 Cazanne mới thì chúng ta có thể lưu trữ đến 16MB dữ liệu trên cache L3 đơn vùng 16MB. Gấp 4 lần so với trước đây. Kết quả trên AIDA Memcache benchmark cho thấy rằng băng thông ram giảm so với trước nhưng độ trễ lại tốt hơn. Băng thông cache L1, L2 đều tăng đáng kể. Tuy nhiên Cache L3 lại giảm so với trước, dù rằng độ trễ tốt hơn. Có thể bằng AIDA Memcache benchmark vẫn chưa hỗ trợ hoàn chỉnh cho kiến trúc mới.
 



Mình sẽ làm đánh giá hiệu năng máy qua 2 chế độ, chế độ cắm sạc AC và dùng pin. Đầu tiên mình sẽ đánh giá hiệu năng trên nguồn AC.

Cinebench R20

So với dòng Ryzen 7 4800U thì điểm đơn nhân được cải thiện rất đáng kể. Chúng ta có điểm đơn nhân lên đến 576 điểm, so với i9-10900K thì cũng chỉ được tầm 530 điểm, tương đương điểm của i7-1185G7 đạt được 570 điểm. Điểm đa nhân đạt 4579 điểm, nhỉnh hơn điểm của CPU Ryzen 5 5600X và thấp hơn Ryzen 7 3700X.
 



Cinebench R23

So với Core i7 1185G7 đạt được điểm đơn nhân cao nhất là 1470 điểm thì điểm đơn nhân của Ryzen 9 5980HS được đến 1512 điểm là một điểm số cao nhất trong các máy laptop hiện nay và tương đương với điểm của Apple M1. Điểm đa nhân đạt được là hơn 11500 điểm, đây cũng là điểm nằm trong top những thiết bị di động điểm cao nhất hiện nay, để so sánh chúng ta có Ryzen 9 4900H đạt được khoảng 11000 điểm, Core i9 9980HK đạt được khoảng 8400 điểm.
 



Corona Render Benchmark 1.3

Kết quả benchmark hoàn thành sau khoảng 115 giây tương đương với kết quả của Ryzen 5 5600X. Nhanh hơn rất nhiều so với Ryzen 7 4800U hoàn thành sau 173 giây, i7-1185G7 hoàn thành sau 222 giây.
 



CPU-Z benchmark

Kết quả benchmark cho thấy điểm đơn nhân của Ryzen 9 5980HS cực cao đến 626 điểm, so với i7-1165G7 được 618 điểm, Ryzen 7 4800U được 519 điểm. Điểm đa nhân đạt được 5686 điểm thậm chỉ còn cao hơn cả Core i9 9900K và ngang ngửa với Core i7 10700.
 



Geekbench 5.3.1

Điểm số đơn nhân đạt được là 1552 điểm, một điểm số cực kỳ cao với một laptop và đa nhân lên đến 8335 điểm. Tuy nhiên mình sẽ không so sánh vì đây chỉ là điểm số tham khảo vui vẻ, điểm hiện nay không thể so sánh vì điểm Cryto Score vốn không được sử dụng nhiều trong thực tế đang bị đẩy lên cao nhờ sử dụng Co-Processor để xử lý khiến điểm không còn phản ánh đúng hiệu năng thực tế.
 



VRay 4.10

Số lượng Ray đạt được là 12,37 triệu sample mỗi giây, so với Ryzen 7 4800U chỉ đạt được 9,85 triệu sample, i9-10980HK đạt được 8,247 triệu sample hay i7-1185G7 chỉ đạt được 4,487 triệu sample mỗi giây. Hiệu năng của Ryzen 9 5980HS là cao nhất trong số những bộ xử lý laptop hiện nay.
 



Excel

Benchmark vui thử file benchmark bởi anh em voz thì được kết quả là gần 250 giây. So với Ryzen 7 3700X mất đến 280 giây thì Ryzen 9 5980HS rất tuyệt vời để xử lý dữ liệu Excel anh em nhé. Anh em vào thread sau để xem kết quả các con CPU khác nhé.
 



3DMark FireStrike

Mình chạy thử iGPU tích hợp Vega 8 với xung nhịp 2100Mhz thì điểm đồ họa đạt được đến 4226 điểm. So với Ryzen 7 4800U chỉ được 3813 điểm. Mình sẽ có bài đánh giá game trên con này với đồ họa Geforce GTX 1650 sau nhé.
 



3DMark Wild Life
Điểm 3DMark Wild Life đạt được là 8360 điểm. Một điểm số không cao so với hiện nay.
 



WebXPRT 3

Đây là bộ đánh giá việc xử lý ứng dụng web qua hàng loạt các phép thử. Điểm số của Ryzen 9 5980HS đạt được là 285 điểm trên Microsoft Edge Chomium 88. Điểm số này tương đương khả năng xử lý web của Apple M1 và vượt khá xa với điểm số 255 điểm trên i9-10900K và 260 điểm trên i7-1185G7.
 

Hiệu năng khi dùng pin

Cinebench R20


Hiệu năng giảm đi đáng kể ở điểm đơn nhân dù điểm đa nhân không giảm đi nhiều. Chúng ta có điểm đơn nhân giảm đi đến 37% dù điểm đa nhân giảm đi chỉ 8%.
 



Cinebench R23

Tương tự Cinebench R20, Cinebench R23 điểm đơn nhân sụt giảm đến hơn 38% dù điểm đa nhân chỉ giảm hơn 6%.
 



CPU-Z

Điểm đơn nhân và đa nhân đều giảm đi đến hơn 40%.
 




WebXPRT3

Điểm số sụt giảm đến hơn 60% khi sử dụng pin.
 



Tiêu thụ điện – Xung nhịp & Nhiệt độ & Pin

Với Profile Performance thì nhiệt độ giới hạn khi chạy Cinebench R20 là 85 độ, tiêu thụ tối đa 42W tại xung nhịp 4Ghz và ổn định ở mức 35W với xung nhịp từ 3.3 – 3.7Ghz. Khi stress với phần mềm AIDA64, nhiệt độ đạt mức 85 độ sau 4 phút và giảm xuống 73 độ nhờ giới hạn xung nhịp về 3.3Ghz. Khi máy hoạt động nặng thì quạt bắt đầu phát ra tiếng ồn và nếu ở trong phòng yên tĩnh các bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Nếu chuyển về Profile Silent thì mọi thứ được cải thiện và các bạn có thể tập trung làm việc. Nếu các bạn làm việc nặng lâu, máy nóng lên có thể làm bạn hơi khó chịu khi sử dụng bàn phím.
 



Khi xem Youtube video 4K HDR với trình duyệt Microsoft Edge, máy có thể trụ được đến hơn 8 tiếng với pin chỉ 62Wh
 

Tổng kết

ASUS Flow X13 là một thiết bị mang đến phần cứng mạnh nhất với bộ xử lý AMD Ryzen 9 5980HS kèm 32GB RAM và 1TB nVME, khả năng mở rộng với box đồ họa rời Geforce RTX 3080 ngoài qua chuẩn riêng của ASUS. Tất cả bên trong một thiết bị mỏng, nhẹ. Máy hoạt động nhanh nhất trong số những laptop mình đã sử dụng qua, các bạn có một thiết bị cực kì di động nhưng vẫn đủ mạnh để làm việc. Nếu các bạn mua thêm box đồ họa rời ngoài, các bạn có thể trải nghiệm những game nặng nhất hiện nay một cách trơn tru nhất.

Đánh giá riêng về CPU Ryzen 9 5980HS thì đây là một CPU tốt nhất trên máy tính xách tay hiện nay mà không cần phải bàn cãi. Nhưng hiệu năng mình vẫn cảm thấy có chút gì đó khó hiểu khi điểm số đơn nhân sử dụng pin lại sụt giảm quá nhiều. Có lẽ AMD và ASUS cần làm việc với nhau để khắc phục vấn đề này.

Điểm cộng:

  • Hiệu năng CPU mạnh mẽ cho người cần hiệu năng mạnh
  • Có thể mở rộng đồ họa rời lên đến nVidia Geforce RTX 3080
  • Màn hình đẹp
  • Thời lượng pin khi xem video đã được cải thiện so với thế hệ trước
Điểm trừ:
  • Card đồ họa tích hợp không phải là dòng cao cấp
  • Hiệu năng đơn nhân khi sử dụng pin giảm nhiều.
  • Giá cao

Bài viết bạn có thể quan tâm

TV Samsung QLED mới trang bị FreeSync

TV Samsung QLED mới trang bị FreeSync

Công nghệ Radeon FreeSync ™ mang đến cho bạn khả năng chơi game mượt mà trên màn hình lớn. 20 TV Samsung QLED đã tham gia hệ sinh thái màn hình chơi game lớn nhất trong ngành với hơn 250 màn hình hỗ trợ công nghệ Radeon FreeSync ™ trên toàn thế giới—

Ryzen 5 2400G mạnh mẽ sánh vai cùng RX570 cân tốt game AAA

Ryzen 5 2400G mạnh mẽ sánh vai cùng RX570 cân tốt game AAA

Trong những tháng cuối năm 2018 thị trường PC tại Việt Nam có khá nhiều biến động. Trong đó không thể không kể tới card đồ họa và CPU. Khi mà giá đơn vị tiền ảo Bitcoin lao dốc thì cũng là lúc card đồ họa được các thương lái xả ra rất nhiều với giá cực kỳ rẻ.

[REVIEW] AMD RYZEN 7 2700X : CPU Ryzen mạnh nhất, được những gì?

[REVIEW] AMD RYZEN 7 2700X : CPU Ryzen mạnh nhất, được những gì?

Không dài dòng , hôm nay mình sẽ test sản phẩm AMD Ryzen 7 2700X sản phẩm cao cấp cũng là sản phẩm đắt nhất tính tới thời điểm hiện tại của AMD. Sơ qua về thông số thì đây là sản phẩm thuộc dòng X ép xung của AMD nhưng lại đi kèm tản nhiệt, sản phẩm được xuất xưởng với mức xung 3.7GHz chạy turbo ở mức 4.3GHz,..

Ryzen 5 2600X - Không ngại game khủng, giá cả phải chăng

Ryzen 5 2600X - Không ngại game khủng, giá cả phải chăng

ASUS gần như đã lột mình hoàn toàn với dòng mainboard mới của mình trong năm 2018 với những đường nét thiết kế mới độc đáo và không kém phần cuốn hút, nổi bật là những mainboard dòng ROG Strix với những dòng chữ được in thẳng xuống bề mặt của bo mạch chỉ cả trước lẫn sau, mới nhất có thể kể đến bo mạch ROX Strix X470-F GAMING...

AMD Ryzen 3 2200G - Hiệu năng cao cho các game esport và hệ thống HTPC gia đình

AMD Ryzen 3 2200G - Hiệu năng cao cho các game esport và hệ thống HTPC gia đình

Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay máy tính là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta. Trên thị trường có rất nhiều cấu hình máy tính khác nhau, từ phổ thông cho đến cao cấp. Nếu bạn cần một chiếc máy tính với giá tiền vừa phải để đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản, trải nghiệm các tựa game E-sport sau những giờ làm việc căng thẳng thì lựa chọn nào là phù hợp?

AMD Athlon 200GE : vị vua phân khúc phổ thông

AMD Athlon 200GE : vị vua phân khúc phổ thông

AMD Athlon 200GE sản phẩm CPU mới nhất của AMD, mục tiêu nhắm vào phân khúc phổ thông nhưng AMD có hơi quá đà khi lại nhét vào tận 2 nhân và 4 luồng xử lý dữ liệu với mức xung nhịp 3.2GHz nhìn trước qua về mức xung thì chúng ta có thể thấy với những game đòi hỏi mức xung xử lý cao thì sản phẩm này sẽ khá ngon lành để chơi game, bên cạnh 4 luồng xử lý dữ liệu AMD còn tích hợp thêm 3 nhân xử lý đồ họa bên trong CPU giúp chúng ta có thể chơi kha khá game với hiệu năng mà 3 nhân đồ họa này mang lại.