Thời điểm những con chip Hawk Point phiên bản máy tính để bàn được AMD công bố tại sự kiện CES 2024, cộng đồng gamer cũng như những người chơi phần cứng PC trên toàn thế giới đã bắt đầu có những kỳ vọng về những chip APU đủ sức mạnh chơi game ở độ phân giải 1080p, chứ không chỉ phục vụ riêng nhu cầu cơ bản, chơi những game online hay game eSports nhẹ nhàng như thế hệ chip 5000G trang bị những nhân GPU Vega kiến trúc GCN thế hệ thứ 5, và nhân CPU Zen 3.
Thời điểm ấy, những con chip APU như 5600G hay 5700G là lựa chọn hoàn hảo cho những nhu cầu gaming bình dân, đánh Liên Minh hay chơi CS:GO. Nhưng rồi nhu cầu game cũng rộng ra, và ai cũng muốn một chip APU chơi được nhiều thể loại game, bao gồm cả những tác phẩm AAA nặng nề nhưng đẹp mắt.
Dựa trên những trải nghiệm của mình, Hawk Point, xét riêng trên khía cạnh hiệu năng xử lý của CPU và GPU, chưa bàn đến cụm nhân NPU phục vụ xử lý thuật toán machine learning, hoàn toàn đủ phục vụ nhu cầu game cơ bản của anh em. Hiệu năng của 6 và 8 nhân CPU trên hai con chip Ryzen 5 8600G và Ryzen 7 8700G, được kết hợp với hai mẫu iGPU được coi là rất mạnh hiện giờ, Radeon 760M và 780M.
Kết quả là, nếu như Ryzen 5 8600G đủ sức chơi game ở độ phân giải 1080p mượt với tốc độ khung hình 60 FPS, trong trường hợp hạ hết chất lượng và tùy chọn đồ họa xuống mức thấp nhất, thì Ryzen 7 8700G có thể tạo ra trải nghiệm chơi game đẹp hơn một chút, ở chất lượng đồ họa trung bình cao, kết hợp với thuật toán tăng độ phân giải hình ảnh game mang tên FSR do AMD phát triển.
Nhưng trước khi nói đến hiệu năng chơi game, hãy nói qua một chút về cấu hình của hai con chip APU sắp ra mắt vào ngày 31/1/2024 tới.Ryzen 7 8700G
Bên trong Ryzen 7 8700G là 8 nhân CPU kiến trúc Zen 4, 16 luồng xử lý ở xung nhịp cơ bản 4.2 GHz, boost tối đa 5.1 GHz phục vụ những tác vụ nặng, bộ nhớ đệm L2 8MB, L3 16MB, tổng cộng 24MB cho cả 8 nhân CPU dùng chung để xử lý dữ liệu.
Kẹp chung với 8 nhân CPU Zen 4 là iGPU Radeon 780M, 12 compute unit, 768 shading unit, 12 nhân ray tracing, vận hành ở tốc độ 2900 MHz, cao hơn 200 MHz so với giải phải Radeon 780M trang bị trên những chip xử lý laptop như Ryzen 7 7840U hay 7840H chẳng hạn.
Cùng với đó là nhân NPU kiến trúc XDNA xử lý thuật toán AI. Nói thêm về NPU kiến trúc XDNA trên APU Ryzen 8000. Sẽ chỉ có hai sản phẩm 8700G và 8600G được trang bị nhân NPU xử lý AI, xung nhịp 1.6 GHz. Kết hợp cả ba nhân CPU, GPU và NPU, có thể tạo ra sức mạnh tối đa 39 TOPs, xét riêng NPU là 19 TOPs. Còn những sản phẩm giá rẻ hơn sẽ không có nhân NPU.
Tổng kết lại, Ryzen 7 8700G là một APU vận hành ở mức TDP 65W, đi kèm với bộ tản nhiệt Wraith Spire, đủ làm mát cho con chip trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Với những cải tiến của Radeon 780M so với Vega 7 và Vega 8 trang bị trên những APU thế hệ cũ, tại CES 2024, AMD cũng đề cập khá nhiều về hiệu năng gaming của những chip xử lý có tích hợp GPU Radeon 780M/760M/740M, và thậm chí họ còn so sánh hiệu năng của những con chip này với một hệ thống máy bàn có card đồ họa rời, cụ thể là Intel Core i3-13400F + GTX 1650, so sánh với Ryzen 7 8700G.
Chính phép so sánh này đưa chúng ta đến với trải nghiệm một con chip duy nhất phục vụ nhu cầu giải trí với game một cách thoải mái, không còn phải suy nghĩ về hiệu năng CPU kẹp với GPU nào trong khoảng giá bao nhiêu nữa.
Ryzen 5 8600G
Ở tầm giá dưới Ryzen 7 8700G là 8600G, với 6 nhân 12 luồng CPU vận hành ở xung nhịp gốc 4.35 GHz, boost tối đa 5.0 GHz, cũng với 8MB cache L2 và 16MB cache L3, cũng với TDP 65W. Chip bán kèm với tản nhiệt Wraith Stealth, kích thước đường kính không khác mấy nhưng heatsink thấp hơn Wraith Spire, dẫn đến khả năng làm mát cũng sẽ bị giới hạn.Kẹp chung với 6 nhân CPU là iGPU Radeon 760M, 8 compute unit kiến trúc RDNA 3, 512 shading unit, 8 nhân ray tracing, vận hành ở xung nhịp 2800 MHz. Những giải pháp iGPU phục vụ máy tính để bàn luôn có xung nhịp cao hơn so với những con chip như Ryzen 5 7640HS, vốn cũng sở hữu Radeon 760M, nhưng vận hành ở xung nhịp 2599 MHz.
Đến đây cũng có một chuyện cần đề cập rõ ràng.
Không phải die APU kiến trúc Phoenix nào cũng được AMD tạo ra với khả năng hỗ trợ kết nối giống nhau. Định hướng của AMD với những APU này khá rõ ràng. Nếu như Ryzen 7 8700G hay Ryzen 5 8600G được định hướng phục vụ nhu cầu xây dựng cấu hình PC với khả năng nâng cấp sau này, thì hai sản phẩm tầm dưới, Ryzen 5 8500G và Ryzen 3 8300G lại được định hướng phục vụ những hệ thống mini PC nhỏ nhưng mạnh mẽ, đủ phục vụ nhiều nhu cầu.
Hệ quả là nếu không để ý, anh em sẽ không biết 8700G và 8600G sở hữu die Phoenix 1, còn 8500G và 8300G sở hữu die Phoenix 2. Khác biệt cơ bản giữa Phoenix 1 và Phoenix 2 chính là số cầu nối PCIe đến CPU, và công nghệ kiến trúc nhân CPU.
Phoenix 1 gần như không có bất kỳ giới hạn gì về cầu nối PCI Express. Còn Phoenix 2, không chỉ có một nửa số nhân CPU dựa trên kiến trúc Zen 4c hiệu năng thấp và tối ưu tiết kiệm điện, mà còn bị giới hạn kết nối, cụ thể như sau:
- AMD Raphael 1 (Ryzen 7000) CPUs - PCIe 5.0 x16 dGPU / PCIe 5.0/4.0 x4 M.2
- AMD Phoenix 1 (Ryzen 8000G) APUs - PCIe 4.0 x8 dGPU / PCIe 4.0 x4 M.2
- AMD Phoenix 2 (Ryzen 8000G) APUs - PCIe 4.0 x4 dGPU / PCIe 4.0 x2 M.2
Thực tế thì nếu chọn hai con chip APU dựa trên die Phoenix 1, thì sau này anh em có trang bị card đồ họa rời để tận dụng sức mạnh của 8 và 6 nhân CPU, thì PCIe 4.0x8 cũng không phải vấn đề cho lắm, vì thực tế thử nghiệm, ngay cả RTX 4080 hay RX 7900 XTX cũng gần như không có chênh lệch hiệu năng khi so sánh giữa hai chế độ kết nối PCIe 4.0x8 và 4.0x16. Vả lại, với slot M.2 chuẩn PCIe 4.0x4, anh em sẽ không phải lo về tốc độ đọc ghi dữ liệu.
Nhưng với Phoenix 2, khả năng nâng cấp sẽ bị giới hạn, và hai sản phẩm dựa trên kiến trúc die chip này, là Ryzen 5 8500G và Ryzen 3 8300G sẽ phù hợp hơn với những hệ thống khép kín, nếu có mở rộng và nâng cấp thì cũng sẽ chỉ là những nâng cấp nhỏ.
Benchmark và hiệu năng chơi game
Trước hết hãy liệt kê cấu hình thử nghiệm hai chip Ryzen 7 8700G và Ryzen 5 8600G trước đã:- Mainboard: Gigabyte B650 Aorus Elite AX Ice
- CPU: AMD Ryzen 7 8700G (iGPU Radeon 780M)/Ryzen 5 8600G (iGPU Radeon 760M)
- RAM: G.Skill Trident Z5 32GB 6400 MT/s
- SSD: Kingston NV2 1TB
- PSU: Gigabyte Aorus P1200 80Plus Platinum
Vì là một giải pháp toàn diện có cả nhân CPU, nhân GPU và thậm chí là nhân NPU, nên việc đánh giá hiệu năng của hai con chip trong bài viết của chúng ta không chỉ mở những phần mềm benchmark và thử nghiệm game. Mà bản thân CPU của 8700G và 8600G có thể đem so sánh với những thế hệ chip trước, ví dụ như 5700G và 5600G của kiến trúc Zen 3, hay Ryzen 7700 và 7600.
Rồi đến cả iGPU Radeon 780M và 760M cũng cần được so sánh với những thế hệ chip iGPU tích hợp trước đó, và cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường phần cứng gaming hiện giờ, như GTX 1060 hay 1650.
Kết quả trải nghiệm của mình với hai con chip xử lý sắp ra mắt của AMD được liệt kê trong bảng tổng kết dưới đây:
Dễ nhận ra ngay ở những biểu đồ đầu tiên, nếu anh em đã từng chơi game trên những hệ thống trang bị chip Z1 Extreme, ví dụ như Asus ROG Ally hay Lenovo Legion Go, thì Ryzen 7 8700G chẳng khác gì một phiên bản Z1 Extreme được “tháo xích”, vận hành ở mức điện năng tiêu thụ có khi lên tới ngưỡng 80W cho cả CPU lẫn GPU, chứ không còn bị giới hạn điện năng 9 đến 30W nữa.
Sở dĩ so sánh như vậy, là vì chúng ta cũng có 8 nhân 16 luồng CPU, và iGPU cũng chính là phiên bản Radeon 780M với 12 compute unit, và chính bản thân Z1 Extreme cũng là một die APU kiến trúc Phoenix, CPU Zen 4, GPU RDNA 3, được giới hạn sức mạnh để trang bị trên những giải pháp PC cầm tay phục vụ nhu cầu gaming.
Khi không còn giới hạn TDP, Radeon 780M trên Ryzen 7 8700G thừa đủ sức chơi game ở độ phân giải 1080p, tốc độ khung hình trên 60, với chất lượng đồ họa ở mức trung bình cao, như trong những benchmark anh em có thể thấy trên biểu đồ. Cũng có vài lựa chọn game cần chỉnh chất lượng đồ họa xuống mức thấp, hoặc Original, chẳng hạn như hai tác phẩm từng ra mắt trên PS4, là Horizon Zero Dawn và God of War. Nhưng ở độ phân giải Full HD, “Original” vẫn tạo ra những khung cảnh game tuyệt đẹp, với tốc độ khung hình mượt mà.
Còn nếu anh em muốn tìm ra một giải pháp so sánh với Ryzen Z1, thì có lẽ sẽ là Ryzen 5 8500G chứ không phải 8600G. Vì trên Ryzen 5 8500G là iGPU Radeon 740M, 4 compute unit, 256 shading unit, 4 nhân ray tracing, giống hệt như 4 nhân GPU RDNA 3 của Ryzen Z1.
Ở cùng chất lượng đồ họa của 6 trò chơi mình thử nghiệm với Radeon 760M và 6 nhân CPU của Ryzen 5 8600G, có lúc game tụt xuống chừng 30 FPS với trường hợp của God of War và Spider-Man Remastered. Nhưng cả hai ví dụ này đều đặt chất lượng đồ họa ở ngưỡng Medium hoặc Original, tức là giống hệt như những gì thể hiện trên PS4 Pro. Hạ thấp chất lượng đồ họa và áp dụng thêm tính năng FSR, thì Radeon 760M vẫn là một giải pháp trải nghiệm game ổn ở mức giá khoảng 7 triệu Đồng cho cả con chip APU đã bao gồm mọi thứ anh em cần để bắt đầu chiến game.
Ở một khía cạnh khác, với bài thử nghiệm Cinebench R23, hiệu năng đa nhân CPU của Ryzen 7 8700G và Ryzen 5 8600G chênh khoảng 15% so với kiến trúc và sản phẩm chip cũ, 5700G và 5600G. Tuy nhiên, nếu so sánh trực tiếp với hai sản phẩm cùng thế hệ kiến trúc CPU, Ryzen 7 7700 và Ryzen 5 7600, hiệu năng đa nhân CPU của hai chip APU thấp hơn khoảng 12%, có lẽ vì áp lực nhiệt độ tạo ra khi cả CPU lẫn iGPU khá mạnh cùng vận hành.
Đổi lại, là những nhân GPU thế hệ mới, đã vậy còn có tới 12 và 8 nhân GPU, chứ không phải 2 compute unit kiến trúc RDNA 2, chỉ đủ sức mạnh đưa hình ảnh ra màn hình máy tính trên Ryzen 7 7700 và Ryzen 5 7600.
Rồi đến cả nhiệt độ cũng là một yếu tố mà mình thích ở Zen 4, chí ít là ở những sản phẩm tầm trung và bình dân, 8 nhân CPU đổ xuống. Trong toàn bộ quá trình trải nghiệm, ngay cả với những bộ tản nhiệt đi kèm với hai con chip, Wraith Stealth và Wraith Spire, thì nhiệt độ tối đa mà 8700G và 8600G đo được thông qua HWInfo chỉ là 85 độ C, đo được lúc thử nghiệm sức mạnh CPU thông qua Cinebench R23.
Còn lại, trong quá trình chơi game, APU hiếm khi vượt qua mốc 75 độ C. Và nếu không phiền chuyện nhiệt độ lúc máy idle hơi nóng, khoảng 40 đến 45 độ C, thì mua hai con chip APU này về chơi game, anh em hoàn toàn có thể giữ lại bộ tản nhiệt khí mà AMD tặng kèm, không cần nâng cấp tản nước hay tản khí cao cấp, để dành tiền nâng RAM và SSD để hệ thống vận hành ưng ý.
Những con chip này dành cho ai?
Câu hỏi rõ ràng mà ai cũng cần biết câu trả lời, đó là liệu một con chip nhỏ xíu của AMD có giải quyết được bài toán chơi game cơ bản ở độ phân giải 1080p, không cần thêm sự trợ giúp của những mẫu card đồ họa ở phân khúc bình dân hiện giờ hay không. Câu trả lời, theo trải nghiệm của mình, là có.Với 12 CU của Radeon 780M và 8 CU của Radeon 760M, nếu chỉ dùng những kết quả benchmark như Time Spy hay Fire Strike, dễ đi đến một kết luận sai, đó là hiệu năng iGPU khi chơi game kém hơn GTX 1060 hay 1650. Cũng phải đồng ý rằng, chỉ khi kết hợp với FSR trong những trò chơi có hỗ trợ, thì hiệu năng chơi game cũng mới có thể cải thiện để vượt qua mốc 60 FPS đối với cả hai GPU tích hợp trong hai con chip Phoenix.
Nhưng nếu chỉ bận tâm đến hiệu năng xử lý game của Radeon 780M và Radeon 760M trong hai con chip APU, thì chúng ta sẽ quên mất một điều. Cả hai APU này sở hữu những cụm CPU thế hệ kiến trúc mới nhất của AMD, với không gian nâng cấp về sau rất rộng.
Tính ra, Ryzen 7 8700G sẽ về Việt Nam với giá khoảng 10 triệu Đồng, ngang với Ryzen 7 7700 lúc mới ra mắt, và Ryzen 5 8600G sẽ rơi vào khoảng 7 triệu Đồng. Thêm tiền mua mainboard, RAM, SSD, nguồn và một cái thùng máy, hoàn toàn có thể dựng những cấu hình với giá từ 15 đến 18 triệu Đồng, với hiệu năng đủ để chơi thoải mái những tác phẩm game online thể thao điện tử với tốc độ khung hình bổ trợ cho màn hình gaming tần số quét 144Hz.
Như anh em có thể thấy, dù nâng cấp mạnh về đồ họa và yêu cầu phần cứng, Counter-Strike 2 ở những màn Deathmatch đông người vẫn vượt qua được tốc độ 144 FPS với Radeon 780M, đủ để anh em có được lợi thế khi chơi cùng những màn hình tần số quét cao. CS2 đã có được hiệu năng như vậy, Liên Minh Huyền Thoại và Valorant thậm chí còn mượt hơn nhiều.
Rồi sau đó, nếu có nhu cầu nâng cấp, anh em sẽ không phải suy nghĩ nhiều về hiệu năng CPU Zen 4 bên trong hệ thống APU, không sợ vấn đề nghẽn cổ chai ở độ phân giải 2K hay 4K, mà chỉ cần nghĩ đến chuyện ghép hai con chip này với card đồ họa nào cho phù hợp với túi tiền. Đó chính là lợi thế mà Ryzen 8000G đem lại, khả năng nâng cấp, chí ít là đối với hai sản phẩm sở hữu die Phoenix 1 như trong bài viết này.
Và một lợi thế nữa Ryzen 8000G tạo ra, so sánh với những thế hệ APU trước như 5000G, chính là sức mạnh của iGPU cho phép anh em lắp ráp những dàn mini PC kích thước cực kỳ nhỏ gọn, không phải nghĩ không gian cho card đồ họa rời, đủ phục vụ gần như mọi nhu cầu từ học tập, làm việc đến giải trí cơ bản. Nhưng đó, theo ý kiến của cá nhân mình, là lợi thế của hai chip Ryzen 8000G ứng dụng die Phoenix 2, giới hạn kết nối PCIe, và mức giá rẻ hơn hẳn so với 8700G và 8600G.
Trong khi đó, hai APU AMD sắp bán ra thị trường vào ngày 31/1 sẽ là hai lựa chọn tuyệt vời cho anh em đang muốn dựng cấu hình PC mới để chơi trong những ngày Tết. Nhưng lời khuyên cho anh em là hãy triển khai sớm, trước khi giá RAM và SSD tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi những nhà sản xuất như Samsung hay SK Hynix điều chỉnh nguồn cung, dẫn tới việc RAM và SSD tăng giá mạnh trong quý I năm nay.
Còn nghĩ xa hơn một chút, biết đâu chừng hai năm nữa, những giải pháp iGPU dựa trên kiến trúc RDNA 4 hay có nhiều nhân RDNA 3 hơn so với Radeon 780M sẽ tiếp tục là những vũ khí cạnh tranh tuyệt vời của AMD trên thị trường gaming bình dân, nhất là khi Radeon RX 7600 hay gần đây nhất là RX 7600 XT của họ không có được những đánh giá tích cực.